Hôm trước em có chia sẻ với bà con về mức lương của tiếp viên hàng không, nhiều người bảo là cao, song có người bảo không và dù như thế nào thì nghề này vẫn "hot" và có sức cạnh tranh lớn. Vì sao vậy nhỉ?
Em đây cũng thắc mắc nên mới quyết đi tìm hiểu thế nào, theo bài đăng trên trang Dân Trí em mới đọc được, một nữ tiếp viên hàng không 13 năm kinh nghiệm chia sẻ, nghề này không hào nhoáng như mọi người vẫn tưởng đâu, kể cả khi họ làm việc tại khoang thương gia, hạng nhất trên máy bay. Thật sự mà nói, nghề này không dành cho tất cả, có nhiều người đến khi bắt tay vào làm việc rồi mới nhận ra công việc đang đòi hỏi mình những gì và phải đáp ứng thì mới làm việc lâu dài.
Mặt khác, một nữ tiếp viên hàng không trẻ tuổi của hãng American Airlines với 1 năm kinh nghiệm chia sẻ rằng cô thực sự chỉ được trả tiền trong khoảng thời gian ở trên máy bay. Còn lại thời gian chuẩn bị lên và xuống, cô đều không được trả tiền. Nếu tính toán toàn bộ thời gian làm việc và thu nhập có được thì chúng không quá cao như nhiều người nghĩ.
Ngay khi chia sẻ những sự thật này, lập tức có rất nhiều người quan tâm chú ý và theo báo cáo của trang Business Insider năm 2019, chia sẻ ấy đúng với thực tế.
Nói đúng ra, các tiếp viên hàng không chỉ được trả lương cho quãng thời gian ở trên trời, chứ quá trình chuẩn bị đưa đón khách lên hoặc xuống máy bay hoặc thậm chí vệ sinh cabin máy bay sau khi hạ cánh... tất cả những việc linh tinh này đều không được trả lương.
Trước giờ, mọi người vẫn nghĩ tiếp viên hàng không được trả lương cao và đặc biệt là được đi du lịch miễn phí cũng như đến các điểm du lịch hấp dẫn chẳng hạn như Paris (Pháp) hay Hawaii (Mỹ),... nhưng thực tế đến khi bắt tay vào làm mói biết rằng mình phải làm quen với các chuyến bay mắt đỏ và làm xuyên suốt các ngày nghỉ lễ, Tết, thậm chí phải bay nhiều chặng đường dài với tổng thời gian làm việc lên đến hơn 15 tiếng đồng hồ.
Trong khi thực tế, với người lao động bình thường như chúng ta đây thường chỉ phải làm việc 8 tiếng hoặc tối đa 10 tiếng đồng hồ trong một ngày. Ngoài những vất vả đó, các tiếp viên hàng không bày tỏ rằng công việc này khá cô đơn vì bay trên bầu trời được ngắm nhìn mọi thứ tuyệt đẹp, nhưng bên cạnh mình không có ai thân quen.
Sự thật là nghề này khá vất vả và để trở thành tiếp viên hàng không, họ phải đạt các yêu cầu về trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ cũng như tuổi tác, ngoại hình và điều kiện sức khỏe tốt.
Đáp ứng các điều kiện ấy không vẫn chưa đủ, họ phải vượt qua các bài kiểm tra và phỏng vấn, chỉ đạt kết quả đậu khi trả lời đúng ít nhất 90% câu hỏi. Nhiều người cho rằng để đậu vào vòng trong còn khó hơn vào Đại học Harvard. Được tuyển chọn rồi họ vẫn phải tiếp tục quá trình khổ luyện 15 giờ/ngày, 6 ngày/tuần và kéo dài 8 tuần trước khi đạt chuẩn được lên máy bay phục vụ khách.
Vì các tiêu chuẩn để trở thành tiếp viên hàng không và được phục vụ trên máy bay khá cao nên bao năm qua, nghề này vẫn có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng hàng không và giữa các ứng viên trong cùng một hãng. Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 1% số thí sinh nộp hồ sơ đạt yêu cầu và trở thành tiếp viên hàng không.
Thế nhưng, đây vẫn là nghề hấp dẫn giới trẻ bởi:
- Được hưởng đặc quyền bay miễn phí.
- Được du lịch và đặt chân đến những vùng đất mới lạ khắp thế giới miễn phí.
- Thậm chí còn được nhận các vé miễn phí hoặc giảm giá từ các hãng hàng không đối tác, tặng cho bản thân hoặc người thân mình.
- Môi trường làm việc chuyên nghiệp vì ở đấy các tiếp viên cảm thấy mình đẹp hơn, sang hơn. Tất cả những thứ này làm cho các tiếp viên hàng không cảm giác mình giống ngôi sao, nữ tiếp viên hàng không trẻ tuổi chia sẻ thực sự vui vì có lúc người dân chạy đến xin chụp ảnh với mình và tặng cho mình món quà nho nhỏ thay cho lời cảm ơn.
Nghe người trong cuộc chia sẻ mới biết những góc khuất và sự thật mà trước giờ mình không hề biết đến luôn ha bà con. Thế mới nói để kiếm được đồng tiền không phải dễ, nghề nào nhìn bên ngoài càng hào nhoáng bao nhiêu thì bên trong càng có những góc khuất và mặt tối bấy nhiêu, mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được điều này.