Nhiều người bày tỏ thắc mắc về vụ việc nữ sinh lớp 10 nghĩ quẩn tại nhà vì bị bạn bè tác động, gây áp lực tại trường, em và phụ huynh đã gặp hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm đề cập đến việc chuyển lớp nhưng không được giải quyết. Nguyên nhân không thể thực hiện ngay việc chuyển lớp cho nữ sinh này đã được thầy hiệu trưởng lý giải cặn kẽ, đăng trên TTO.

Theo đó, liên quan đến vụ việc nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên ĐH Vinh, Nghệ An nghĩ quẩn tại nhà nghi bị bạn bè tác động, cô lập ở trường, ngày 18/4, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi với Trường THPT chuyên ĐH Vinh, Trường ĐH Vinh và Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, yêu cầu sớm điều tra, làm rõ sự việc.

hình ảnh

hình ảnh

Ngôi trường nơi nữ sinh theo học - Ảnh: NLĐ, TTO

Trên mạng xã hội, một tài khoản được cho là người thân của nữ sinh chia sẻ nhiều tin nhắn trò chuyện giữa hai mẹ con trước khi em N.T.Y.Ng. nghĩ quẩn. Theo đó, trong trò chuyện với mẹ, em Ng. nhiều lần tâm sự "chán, không muốn đi học nữa". Sau khi phát hiện sự việc, người mẹ của em Ng. đã hai lần lên gặp ban giám hiệu Trường THPT chuyên ĐH Vinh để phản ánh việc con gái bị tác động gây ảnh hưởng, bị cô lập, đồng thời xin chuyển lớp cho con gái.

Trong đó, một lần phụ huynh gặp trực tiếp hiệu trưởng, lần còn lại hiệu trưởng đi vắng, chị phản ánh tới giáo viên dạy giáo dục quốc phòng.

Cũng theo người thân của em Ng., gần đây nữ sinh này còn bị nhóm học sinh kia rủ nhau chặn đường để ‘tác động tay chân’. Người mẹ đã phải đến tận trường đón con gái nên chưa có việc gì xảy ra. Sau vụ việc lần đó, chị đã điện thoại phản ánh trực tiếp cho cô giáo chủ nhiệm.

Được ít buổi, cô giáo cho em Ng. ngồi một chỗ khác, tách với nhóm bạn kia nên em cảm thấy bình thường. Tuy nhiên, đến tiết cô chủ nhiệm lại bắt em Ng. và các em đang bị cô lập đến ngồi chung với nhóm bạn kia. Em Ng. nhắn tin tâm sự với mẹ thể hiện sự khó khăn của bản thân, đồng thời tự chụp bức ảnh em đang khóc để gửi cho mẹ.

Em Ng. là học sinh lớp 10A15 hệ chất lượng cao, Trường THPT chuyên ĐH Vinh. Đây là lớp định hướng khoa học xã hội theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (bắt đầu triển khai đối với lớp 10 từ năm học 2022 - 2023).

hình ảnh

Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Vinh (giữa) trao đổi tại buổi làm việc với báo chí về vụ việc - Ảnh: TTO

Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 17/4, ông Phạm Xuân Chung - hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Vinh - cho biết trước đó vào khoảng giữa học kỳ 1, em Ng. có lên gặp thầy để xin chuyển sang một lớp khác cùng khối xã hội, với lý do là "muốn sang lớp cô giáo này chủ nhiệm để học".

Theo ông Chung, đối với khối 10 năm nay, việc chuyển lớp không thể thực hiện ngay. Lý do thực hiện chương trình mới, mỗi lớp ngoài các môn bắt buộc còn có các môn lựa chọn do học sinh đăng ký và không giống nhau giữa các lớp.

Bên cạnh đó, thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo cũng quy định giải quyết các trường hợp xin chuyển lớp sau khi hoàn thành năm học để đảm bảo trong công tác kiểm tra, đánh giá, trừ trường hợp đặc biệt. Trường hợp em Ng. thời điểm xin chuyển lớp cùng lĩnh vực (khoa học xã hội).

hình ảnh

Gia đình tổ chức hậu sự cho nữ sinh - Ảnh: PNVN

"Em Ng. hiện đang học lớp thứ 3 theo phân hóa của nhà trường từ đầu năm học. Nếu chuyển từ lớp mức độ thấp lên mức độ cao hơn phải có kết quả học tập nhất định. Tôi đã trao đổi, phân tích cho em Ng. tiếp tục phấn đấu học tập, nếu kết quả tốt thì sẽ xem xét chuyển lớp cho em. Sau đó em Ng. không có ý kiến gì khác", ông Chung thông tin.

Ông Chung chia sẻ trước dư luận trái chiều, nhà trường vẫn phải tiếp tục xác nhận thông tin và chưa đưa ra kết luận gì vào lúc này. "Nhà trường, thầy cô và bạn bè rất sốc và đau buồn trước sự việc đau lòng này", ông Chung nói.

Trong khi đó, cô Đặng Việt Hà - giáo viên chủ nhiệm lớp 10A15 - cho hay khoảng cuối học kỳ 1 vừa qua, em Ng. có nhắn tin cho cô hỏi về mẫu đơn xin chuyển lớp. Cô Hà trả lời không có và sau đó em Ng. cho biết đã đến phòng hội đồng trường xin ý kiến. Về thông tin em Ng. bị cô lập, cô Hà cho biết, học sinh có một số nhóm chat riêng trên mạng xã hội, nhưng vì nhóm kín nên cô không biết được câu chuyện và nội tình.

hình ảnh

Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm biết được những khó khăn mà em học sinh này đang gặp phải, nếu trong thời gian đợi giải quyết việc chuyển lớp, có những biện pháp hỗ trợ kịp thời để ngăn chặn tình trạng em bị cô lập, bị bạn bè tiếp tục tác động gây ảnh hưởng thì có lẽ sự việc đã xảy ra theo chiều hướng khác. Việc bị bạn bè tác động, cô lập sẽ ảnh hưởng lớn đến tinh thần, việc học tập của học sinh, lúc này phụ huynh và nhà trường, giáo viên cần có sự can thiệp kịp thời để ổn định tinh thần, hỗ trợ học sinh vượt qua giai đoạn khó khăn để yên tâm học hành.