Chỉ còn ít tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, nơi hàng triệu thí sinh sẽ đưa ra quyết định cho chặng đường tiếp theo của cuộc đời mình. Có em quyết tâm phải đạt điểm cao để xét vào các trường đại học danh giá, cũng có em chỉ thi để tốt nghiệp cấp 3 rồi sau đó đi làm luôn. Đặc biệt số lượng thí sinh không học đại học, chọn con đường học nghề hoặc cao đẳng, trung cấp đang có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây.

Câu chuyện quyết tâm học nghề sau khi tốt nghiệp THPT của Hoa (HS lớp 12, ngụ thị xã Duy Tiên, Hà Nam) trên báo Vnrxpress là một ví dụ về con đường tương lai không cần học đại học của không ít bạn trẻ hiện nay.

Còn 3 tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT song thay vì miệt mài đèn sách như bạn bè, Hoa lại nghỉ mọi lớp học thêm, dành thời gian rảnh để tìm hiểu nghề spa, làm đẹp. Hoa có học lực khá, lại được gia đình định hướng học các ngành "hợp với con gái" như Kinh tế, Kế toán, nhưng nữ sinh này vẫn nói không. "Em không thích học mà muốn học nghề và đi làm sớm", Hoa tâm sự.

hình ảnh

Sinh viên trường một trường Cao đẳng học trang điểm - Ảnh: VNE

Đây không phải là quyết định bột phát nhất thời mà đã được nữ sinh này suy nghĩ nghiêm túc từ khi lớp 10. Hoa có anh trai là cử nhân ngành Môi trường, song không xin được việc và hiện chỉ đang làm công nhân trong nhà máy sản xuất giày, dép. Do đó cô không muốn ‘tiếp bước’ anh trai mà muốn theo đuổi sở thích của mình là nghề làm đẹp.

Trong khi đó, câu chuyện của Hoàng Long, học sinh lớp 12 một trường ngoài công lập tại Hà Nội lại khác. Long thích công nghệ thông tin từ lâu nhưng học lực chỉ ở mức trung bình nên cậu tự lượng sức mình khó có thể trúng tuyển trường đại học tốt. Vì thế dự định của Long là học cao đẳng, thay vì giảng đường đại học.

Số thí sinh sớm rời khỏi cuộc đua xét tuyển đại học để học nghề như Hoa và Long có dấu hiệu tăng trong 5 năm qua, được các chuyên gia nhận định là tín hiệu tích cực cho thị trường lao động.

TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, cho rằng có hai lý do chính khiến hàng trăm nghìn thí sinh bỏ xét tuyển đại học. Thứ nhất, các em có định hướng rõ ràng trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Thứ hai, học phí đại học năm 2023-2024 sẽ tăng theo quy định mới, nên học sinh và các gia đình sẽ cân nhắc về tài chính.

Ngoài ra, ông Khánh cho rằng việc học sinh chủ động học nghề đã tạo đà cho các trường, giúp hoạt động tuyển sinh sôi động hơn. Để thu hút thí sinh, các trường nghề cũng phải cạnh tranh, từ đó giúp chất lượng đào tạo được cải thiện. Ngược lại, khi đủ người học, các trường sẽ có nguồn lực để tập trung đào tạo nhân lực có tay nghề, chất lượng cao. Thị trường lao động từ đó sẽ phần nào khắc phục được tình trạng "thừa thầy thiếu thợ".

hình ảnh

Nhiều học sinh chọn học nghề, cao đẳng thay vì Đại học như trước đây - Ảnh: VNE

Trở lại câu chuyện của nữ sinh Hoa, em đã xác định theo học trung cấp hoặc các khóa ngắn hạn để lấy chứng chỉ, sau đó mở cửa hàng làm đẹp. Mục tiêu mà em đặt ra là có thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng một tháng, tức là gấp rưỡi thu nhập của người anh trai có bằng cử nhân đại học. Nữ sinh cho biết đã tham khảo và tin tưởng mức này là khả thi.

Sau khi thuyết phục được bố mẹ, Hoa nghỉ hết các lớp học thêm. Em nói với lực học khá, em sẽ không quá khó khăn để đỗ tốt nghiệp nên dành thời gian tự học lý thuyết massage, làm da, spa... ngay từ bây giờ.

Còn Hoàng Long nhìn nhận nghề lập trình đang có nhu cầu cao, nếu có tay nghề thì thu nhập tương đối tốt. Với các quy định hiện nay, em có thể dành thêm 2-2,5 năm để học liên thông nếu muốn lấy bằng đại học sau này. "Vì thế, em không lo bằng cao đẳng mất giá so với đại học", Long chia sẻ.

hình ảnh

Một điều đáng mừng là nhiều phụ huynh và học sinh bây giờ đã không còn giữ suy nghĩ ‘đại học là con đường lập nghiệp duy nhất’ nữa. Các em chủ động hơn trong việc chọn lựa công việc tương lai mà mình yêu thích, phù hợp với năng lực thay vì cố gắng chen chân vào giảng đường đại học. Thiết nghĩ bằng cấp chỉ là một phần, quan trọng nhất là năng lực của mỗi cá nhân, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Nếu có tay nghề cao thì nghề gì cũng có thể làm ra tiền chứ không nhất thiết phụ thuộc vào tấm bằng đại học nữa.