Mình làm ra tiền chủ yếu là để phục vụ mình, cơ mà sống kham khổ như thế này thì cũng phải xem lại mục đích của việc kiếm nhiều tiền để làm gì? Suy cho cùng đồng tiền làm ra không phục vụ cho bản thân thì cũng cho gia đình, ít nhất trong hiện tại và tương lai về sau.

Mới đây, theo một bài đăng em đọc trên trang Thể thao Văn hóa kể câu chuyện về nữ đại gia 42 tuổi đang còn độc thân ở Trung Quốc gây tranh cãi dữ dội về số tiền kiếm được cũng như cách xài tiền của cô ấy.

Dù thu nhập mỗi năm gần 1,5 tỷ nhưng chưa bao giờ cô ấy dám bỏ ra số tiền 600.000 đồng để sắm đồ, áo quần cô ấy mặc trên người đa số toàn đồ cũ được dùng lại nhiều lần, từ năm này qua năm khác, còn giày dép cô ấy lựa hàng lỗi thời được giảm giá để mua.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet và VietnamFinance. 

Là phụ nữ tất nhiên phải dùng mỹ phẩm và số tiền cô ấy chi cho khoản này khoảng 10 triệu. Đối với điện thoại di động dùng để liên lạc và phục vụ công việc, cô ấy thường chưa bao giờ bỏ quá 10 triệu để mua một chiếc, thậm chí nếu chúng hư thì cô mang đi sửa để tiếp tục xài. Có lần công ty thưởng điện thoại mới xịn cho cô vì kết quả làm việc tốt nhưng mà cô không dùng đến mà mang đi bán để kiếm thêm tiền.

Tính tổng các khoản cô phải chi trong năm chỉ hơn 10 triệu, so với tổng thu nhập cô kiếm được chỉ gần 10%. Như vậy, cô đã tiết kiệm tới hơn 90% thu nhập.

Nhìn vào cách cô kiếm tiền và chi tiêu, người cháu của cô phải thốt lên rằng có phải cô đang quá khổ sở không, nhiều tiền mà không biết hưởng thụ cuộc sống là tiếc lắm! Trong khi đó đọc câu chuyện của người phụ nữ 42 tuổi này xong, nhiều người cho rằng mức chi tiêu của người phụ nữ này không phải là quá tằn tiện, chỉ là bằng với mức trung bình của mọi người thôi, còn thu nhập kiếm được của cô được xếp vào hàng đỉnh.

Không phủ nhận rằng đồng tiền được làm ra là để phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần của chúng ta, song mỗi người sẽ có mỗi quan niệm khác nhau về cách sử dụng.

Có người cho rằng mình làm cực khổ rồi thì giờ phải tận hưởng và đối với họ phải được ăn ngon, mặc đẹp ở những nơi nhà hàng cao cấp và cửa hàng hiệu rồi đi du lịch đó đây mới là hạnh phúc. Dễ thấy nhất đây là cách sống mà nhiều bạn trẻ hiện nay lựa chọn, lương có thể không cao, thậm chí chưa tới 10 triệu/tháng nhưng sẵn sàng chi tiền để vác chiếc túi hạng sang về hay đôi giày hiệu hoặc đi du lịch khắp nơi khám phá đây đó. Mọi người thường gọi họ là nghèo mà sang chảnh, đến khi hết tiền thì hào nhoáng ấy cũng không còn và chính họ rơi vào cái bẫy tiêu dùng, nợ nần bủa vây. Chỉ cần chút biến cố xảy ra như đột ngột mất việc hoặc dịch bệnh kéo dài họ bị giảm lương... thì khó lòng mà xoay xở được nếu không có gia đình hỗ trợ.

Trong khi đó, có người lại suy nghĩ khác họ chỉ cần tiền để phục vụ các nhu cầu cơ bản, tuyệt nhiên những thứ khác không cần tới và họ để dành tiết kiệm đề phòng các sự cố không may xảy ra trong tương lai như ốm đau, bệnh tật hoặc để phục vụ cho mục tiêu lớn hơn, chẳng hạn như mua nhà, dưỡng già hoặc cho con đi du học... Nhóm người có suy nghĩ như thế này đa phần thuộc nhóm trung niên bởi họ đã từng trải qua thời kỳ gian khó và hiểu được giá trị của việc ổn định và bảo đảm an toàn tài chính cá nhân, đồng thời vẫn có số ít bạn trẻ thuộc nhóm này thường ảnh hưởng bởi gia đình hoặc điều kiện hoàn cảnh lúc nhỏ nên có suy nghĩ khác với đa số đám đông hiện nay. Trong mắt người khác, có thể thấy họ kham khổ và tằn tiện nhưng chính bản thân mới hiểu được mình hạnh phúc thế nào khi có nguồn tài chính ổn định và bền vững?

Vậy câu hỏi đặt ra rằng làm sao để vừa hạnh phúc, vừa có thể giàu có?

Chắc chắn nhiều bạn trẻ sẽ nghĩ rằng làm lương cao mà keo kiệt với bản thân như vậy thì làm sao có động lực kiếm tiền, rồi cứ tiêu xài thoải mái, vung tay quá trán để cho có động lực kiếm tiền nhưng kỳ thực đời không như là mơ, cuối cùng lâm vào cảnh vỡ nợ, không lối thoát.

Thật ra có 3 yếu tố để chúng ta có thể trở nên giàu có gồm biết tích lũy tài sản, biết nắm bắt cơ hội và gặp may mắn. Chị em có thể giàu có nhờ trúng số hoặc được thừa hưởng khối tài sản lớn từ cha mẹ, đó là sự may mắn. Yếu tố này mình không thể tự quyết được, đó là do phước phần của mỗi người, nhưng còn biết nắm bắt cơ hội và biết tích lũy tài sản là yếu tố chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

Rất nhiều tỷ phú chia sẻ rằng tích lũy tài sản chính là kim chỉ nam, chìa khóa để đưa chúng ta trở thành người giàu có, rồi từ đó mình mới dùng khoản tích lũy ấy làm đòn bẩy nắm bắt cơ hội đầu tư và gom về nhiều tiền hơn. Nhờ cách làm này mới cho chúng ta có nguồn tài chính ổn định bền vững, kể cả khi bất trắc xảy ra, mình vẫn có lối thoát thân còn hơn là vỡ nợ mất khả năng chi trả.

Việc tiêu xài phóng túng suy cho cùng chỉ thỏa mãn nhu cầu nhất thời chứ nhìn xa về tương lai, chị em sẽ thấy chúng vô định và không thể tự quyết được gì. Dù vậy, nói thế không có nghĩa là chị em phải cắt hết các khoản chi phục vụ cho niềm vui của mình, nhưng phải biết cách kế hoạch tiêu xài trong giới hạn đặt ra và kiểm soát chúng. Thay vì tiêu xài thả ga, thì chị em hãy học cách lên kế hoạch tiết kiệm rồi đầu tư, phần còn lại để tiêu xài và không cho phép bản thân vượt quá giới hạn.

hình ảnh


Ảnh: Tỷ phú Bill Gates với chiếc đồng hồ 70 USD. Nguồn: Genk. 

Thực tế rất nhiều tấm gương tỷ phú có cuộc sống đơn giản, hạnh phúc và họ biết cách kế hoạch thu nhập mình kiếm ra được. Chẳng hạn như Bill Gates chỉ dùng đồng hồ có giá 70 USD, còn Warren Buffett chỉ sống trong ngôi nhà có giá vài chục nghìn đô la Mỹ trong suốt 65 năm hay Mark Zuckerberg ăn mặc toàn những bộ đồ giản dị. Tất cả họ đều không phô trương vẻ bề ngoài dù tài sản nắm trong tay không phải là nhỏ.

Không ai có thể ép mình sống như thế nào, nhưng mà những gì xảy ra trong đợt dịch bệnh vừa qua cho chúng ta thấy mình cần có khoản dự phòng, ít nhất là để giải quyết nhu cầu cấp bách khi gặp tình huống khó khăn. Nhớ nhé chị em.