Chị em có biết người xưa quan niệm nếu thắp hương mà nhang không cháy hết là báo hiệu công việc làm ăn trong nhà sẽ gặp nhiều trắc trở, thất bát, gia đình thì xào xáo, chẳng mấy yên vui?

Trang Phunutoday và Kiến thức đã có bài lý giải điều cấm kỵ này, em chia sẻ để chị em nhà mình cùng biết nhé!

Điều cấm kỵ khi thắp hương không cháy

hình ảnh

Ảnh minh họa - Nguồn: Phunutoday

Theo phong tục tín ngưỡng thờ cúng của người Việt ta, để tỏ lòng thành với ông bà tổ tiên, các đấng bề trên, chúng ta thường thắp hương lên bàn thờ. Khi thắp hương, chúng ta thường nguyện cầu bình an, phúc lộc, thuận hòa qua làn khói hương gửi đến thần linh, gia tiên. 

Nếu dọn mâm cúng, chúng ta thường đợi hương tàn mới lui thức ăn, lễ vật. Tuy nhiên, theo quan điểm từ xa xưa việc thắp hương không cháy hết, làm khói hương tắt giữa chừng chẳng khác nào gián đoạn sự chuyển tải nguyện vọng, mong ước đến với thế giới tâm linh. Vậy nên trong việc thắp hương rất kiêng kỵ hương đang cháy rồi tắt.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến hương khi thắp không cháy hết như gió, mưa, độ ẩm không khí cao, hoặc hương kém chất lượng bị ẩm mốc…

Theo tâm linh, hương không cháy hết có thể báo hiệu điềm không lành sắp xảy ra trong tương lai. Đó có thể là do người thắp hương hoặc thành viên nào đó trong gia đình họ sẽ gặp chuyện không như ý, công việc không suôn sẻ, hay bệnh tật ập đến bất ngờ… Vì thế, tốt nhất mọi người nên thật cẩn thận nếu gặp trường hợp này.

Đặc biệt, trong đêm giao thừa, nếu xảy ra việc thắp hương không cháy hết thì rất có thể trong năm mới, gia đình sẽ không được may mắn, công việc làm ăn thất bại, thua lỗ. Đây cũng có thể là dự báo của năm hạn nên nếu có ý định khởi nghiệp hoặc đi làm ăn xa, cần cân nhắc cẩn thận.

Hương không cháy hết phải làm sao?

Nếu trong quá trình cúng lễ mà nén hương bị tắt giữa chừng nên để yên và châm lửa lại cho đến khi cháy hết. Mọi người cần lưu ý không được nhổ nén hương ra rồi châm lửa lại, vì lúc này sẽ trở thành hương thừa, việc cầu cúng sẽ không còn linh nghiệm. 

Để không gặp tình trạng hương không cháy hết, tắt giữa chừng, chị em cần chọn mua loại hương chất lượng tốt và kiểm tra thật kỹ trước khi thắp. Bên cạnh đó nên thắp hương nơi kín gió để tránh bị tắt.

Trong trường hợp chị em đã rất cẩn thận và kỹ lưỡng lựa chọn hương mà vẫn xảy ra tình trạng này thì có thể đây là điềm báo không tốt, cần đề phòng. 

hình ảnh

Ảnh minh họa - Nguồn: Phunutoday, Kiến thức

Cách chọn hương an toàn cho sức khỏe

Nếu như theo tâm linh, chúng ta nên chọn hương chất lượng, đều để không xảy ra tình trạng bị tắt giữa chừng, thì theo một bài viết trên trang sở y tế Nam Định, các chuyên gia sức khỏe khuyên chúng ta không nên chọn loại hương bày bán trôi nổi, đặc biệt là các loại hương được quảng cáo lưu giữ mùi thơm càng lâu thì càng độc. 

Những nhà hóa học giải thích rằng, mùi thơm được tạo thành bởi những vòng benzen. Vòng thơm benzen khi phát tán có khả năng bẻ gãy cấu trúc tế bào - đây lại chính là nguyên nhân dễ gây ung thư. Khi đốt cháy hương, chất độc còn tác động lên hệ hô hấp, dẫn đến viêm hô hấp mạn tính. 

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science of The Total Environment cho rằng khói hương có thể làm ô nhiễm không khí, gây nên tình trạng viêm phổi. Chưa kể, hít phải khói hương thường xuyên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mắt, mũi, cổ họng, gây kích ứng da, xảy ra những triệu chứng hô hấp, trong đó có bệnh hen suyễn, đau đầu, bệnh tim mạch và những thay đổi trong cấu trúc tế bào phổi.

Nếu hương sau khi thắp có tàn trắng như tuyết là được làm bằng bột đá vôi (CaCO3) trộn với mùn cưa. Trong đá vôi thường có chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadimi... gây rối loạn hệ hô hấp, suy gan, thận... nên rất nguy hiểm cho sức khỏe người. Để an toàn, chúng ta nên chọn loại hương thảo mộc làm từ các loại gỗ, rễ, lá cây, khi đốt ít khói, có mùi thơm tự nhiên thanh nhẹ.

Ngoài ra nên chú ý chọn hương có màu vàng sậm tự nhiên, bởi đây là màu của bột thảo mộc. Không chọn loại có màu vàng óng vì đó thường là hương nhuộm hóa chất tạo màu. Đặc biệt, không chọn loại hương đậu tàn hoặc loại có màu bắt mắt. Khi thắp hương cần mở cửa cho thông thoáng, không để khói hương lẩn quẩn trong nhà khiến người già, trẻ nhỏ thường xuyên hít phải. Đặc biệt người có tiền sử mắc các bệnh mạn tính về đường hô hấp nên hết sức lưu ý, không hít khói hương trong lúc thờ cúng.

* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo.