Khi áp lực đồng trang lứa không chỉ đến từ bạn học mà còn là họ hàng thậm chí là anh em trong nhà thì việc phải băng qua nó thật sự là một thử thách rất khó khăn đối với lứa tuổi của các em.

Họp phụ huynh về, chị Thủy có chút thất vọng. Con tuy vẫn đạt được danh hiệu học sinh xuất sắc như mọi năm nhưng bị văng khỏi top 5 học sinh xuất sắc nổi trội toàn điểm 10 do để lọt một môn điểm 9. 

Vừa về đến nhà, thấy con đang chơi với em ngoài sân, chị lại ngồi kế bên, rút bảng điểm ra và quay sang trách móc: “Nhan, con học hành kiểu gì mà để lọt điểm 9 vậy. Lớp con có 5 bạn được xuất sắc nổi trội nhưng lại không có con. Cô cũng tiếc cho con. Còn mẹ, nhìn con người ta điểm 10 nguyên cột từ trên xuống, nhìn lại bảng điểm con lọt tọt con 9 mà không vừa mắt chút nào. Đây là lên lớp 6 con cứ thế vào học trường làng gần nhà theo hộ khẩu, không phải thi cử ấy, chứ như mấy bạn phải thi đầu vào trường điểm, trường chuyên thì con rớt từ vòng gửi xe rồi.”

Nhìn ánh mắt tiếc nuối của mẹ chằm chặp vào bảng điểm, Nhan cầm lấy, đi thẳng vào nhà, không nói gì.

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu

Đến giờ cơm, mẹ lại đem chuyện bảng điểm của con bàn tán. Rồi lại lôi chuyện chị hai Xuân nhà bác Tư được tuyên dương trước trường mà so sánh với Nhan. Gọi là chị vì vai vế các ông bố nhưng hai Xuân cùng tuổi với Nhan. Từ lâu trong mọi cuộc nói chuyện, hai Xuân vẫn luôn là cái tên được đưa ra để đặt lên bàn cân với Nhan. Bao nhiêu lần ấm ức chịu nhịn, lần này tức nước vỡ bờ, Nhan không thể im lặng thêm nữa: “Con cũng chỉ bị 1 điểm 9 thôi chứ có làm gì sai mà mẹ phải tức giận như vậy. Con học, điểm con không như ý, con buồn chứ sao không. Mẹ đã không an ủi con một lời, còn đem con ra so sánh với người này, người kia nữa. Con có gì không bằng mấy người đó mà mẹ suốt ngày nói mãi thế? Sao ngày xưa bố mẹ không đỗ thủ khoa, làm tỷ phú, giáo sư đi mà bây giờ lại trách con...”

Giọng nghẹn lại, nước mắt đỏ hoe, Nhan dùng hết sức đặt đôi đũa xuống bàn thật mạnh rồi chạy ù lên phòng dù cơm trong chén chỉ mới vơi đi một nửa. Trong lòng Nhan, vừa day dứt vì lần đầu lên tiếng to, cãi lại mẹ, vừa ấm ức tột cùng vì mình chẳng làm gì sai nhưng lại đang phải nghe chỉ trích như thể mắc một sai lầm to lớn lắm. 

Phải chăng nếu ở một gia đình khác, bảng điểm đó của Nhan đã là một sự kiện ăn mừng lớn của cả đại gia đình???

Không sai khi nói rằng cha mẹ ngày nay đang đem con ra "chiến trường điểm số" để đổi lấy niềm kiêu hãnh cho gia đình mà quên mất rằng, dù cha mẹ không so sánh, không chì chiết thì các bé đã phải đối diện với áp lực rất lớn từ bạn đồng trang lứa. Các nhà nghiên cứu gọi đây là một hội chứng.

Ai trong chúng ta cũng phải trải qua giai đoạn có nhu cầu về sự hòa nhập và thuộc về. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Đến một độ tuổi nhất định, trẻ sẽ cảm thấy áp lực rất lớn từ bạn bè. Áp lực đó mạnh và phổ biến đến nỗi nó đã trở thành một hội chứng của lứa tuổi thanh thiếu niên. Người đồng trang lứa ở đây có thể là bạn học, bạn hàng xóm, bạn cùng nhóm hoặc thậm chí là anh em họ.

Áp lực đồng trang lứa rất tinh tế và được biểu hiện bên ngoài qua cách trẻ thay đổi cách ăn mặc, nói chuyện hoặc hành động theo những cách mà bạn bè chấp nhận được.

Trong những trường hợp khác, áp lực từ bạn bè thường ảnh hưởng trực tiếp và có thể khiến trẻ cảm thấy khủng hoảng khi phải làm những việc mà mình không thích, nhưng lại không thể làm khác đi được.

Trong chuyện chạy đua với thành tích học tập, có những trẻ dù đã giỏi nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ khi tự đem mình so sánh với một nhóm bạn có thành tích nổi trội hơn. Dù cha mẹ không gây sức ép thì bản thân trẻ cũng đã phải chịu một áp lực trực tiếp rất khủng khiếp.

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Bản thân cha mẹ cũng xuất hiện áp lực đồng trang lứa nhưng nó lại biểu hiện theo một cách khác. Khi mỗi ngày lướt facebook, thấy bạn bè ai cũng đi du lịch mỗi tháng, sắm xe hơi mỗi năm, chuẩn bị xây nhà to, con cái học trường quốc tế, đạt giải thưởng này nọ... thì một lúc nào đó trong lòng cũng tự đem mình ra so sánh với họ. Sẽ có những lời tự trách “Sao số phận mình lại long đong thế này? Sao mình cũng chăm chỉ, nỗ lực gấp năm, gấp mười lần người khác mà vẫn không thể giàu có bằng? Sao con mình cũng hy sinh nhiều thứ, đầu tư cho ăn học mà con không bằng được một phần con người ta...”.

Nếu biết nhìn vào những áp lực mà bản thân mình cũng đang trải qua, cha mẹ sẽ hiểu được, bản thân mỗi lứa tuổi dù không bị ai đó thúc ép chăng nữa vẫn phải vật vã với những áp lực tự nó hiện hữu.

Áp lực đồng trang lứa có mang lại điều gì tốt không?

May mắn là mặc dù áp lực từ bạn đồng trang lứa có lớn nhưng nó cũng đem đến cho trẻ những tác động tích cực. Thông qua đó, trẻ em học cách:

  • Giao tiếp tốt với người khác
  • Giải quyết xung đột, mâu thuẫn nhóm
  • Gặp gỡ với nhiều bạn mới
  • Tìm hiểu về các nền văn hóa, giá trị và niềm tin khác nhau
  • Trẻ trở nên tự tin hơn
  • Trẻ được học cách đưa ra quyết định và tin tưởng vào phán đoán của bản thân.

Áp lực đồng trang lứa có dẫn đến sai lầm tuổi trẻ không?

Đi cùng với những tác động tích cực đó thì có những tác động khiến bố mẹ không khỏi lo lắng. Đó là những thay đổi từ vẻ bề ngoài cho đến những suy nghĩ, hành động khác lạ như:

  • Thái độ bất tuân phục: chống đối, không chịu nghe lời
  • Nói dối, lừa lọc hoặc giấu giếm
  • Thay đổi cách ăn mặc theo hướng khó hiểu hoặc cư xử kỳ quặc
  • Chấp nhận vượt rào hoặc tìm hiểu nội dung người lớn để chứng tỏ mình
  • Sa đà vào các thói hư, tật xấu và thậm chí là tệ nạn xã hội
  • Làm những việc mạo hiểm hoặc đặt mình vào những tình huống rủi ro.

Điều gì khiến trẻ buộc phải chịu được áp lực đồng trang lứa?

Mỗi đứa trẻ mỗi cá tính và mỗi hoàn cảnh sống khác nhau. Chỉ có cách hỏi trực tiếp, cha mẹ mới hiểu được con mình. Tuy nhiên, trẻ sẽ khó mở lời với cha mẹ và chấp nhận chịu đựng áp lực đồng trang lứa vì những lý do sau:

  • Không có bạn bè chơi cùng
  • Sợ bị từ chối hoặc bị trở nên khác biệt
  • Sợ xấu hổ hoặc bị phán xét
  • Nhu cầu thuộc về và sự an toàn
  • Tăng khả năng ảnh hưởng và lòng tự trọng
  • Tăng cường mối quan hệ bạn bè trong cùng nhóm.

Là cha mẹ, cần phải hiểu những diễn tiến có thể xảy ra với con mình ở từng lứa tuổi và tìm cách gần gũi, chia sẻ với con thay vì áp đặt những áp lực của chính bản thân mình lên con và rồi khi con không thể đáp ứng lại nhân danh tình yêu thương mà quay ra chỉ trích, mắng mỏ như thể đó là điều đúng đắn. Đó thực chất chỉ là cha mẹ đang yêu thương con người vị kỷ bên trong mình mà thôi.