Theo lẽ thường, mẹ sẽ là người chăm sóc và nuôi nấng con cái kỹ lưỡng hơn người cha. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng vậy, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ đấy chị em ạ. Như trường hợp này, em nghĩ cả 2 đều cần phải cân nhắc lại, vì giao quyền nuôi con không đúng người sẽ làm hỏng cả tương lai của đứa trẻ.

Hôm rồi em tình cờ đọc dòng tâm sự của anh nọ trên trang VTC News mà thương quá, anh này kể lúc đứa con mới được 10 tháng, vợ anh bỏ nhà đi theo người yêu, để mình anh chăm con tới giờ. Nay bé đã được 2 tuổi, bỗng đâu vợ anh quay trở về đòi làm thủ tục ly hôn và giành quyền nuôi con.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Freepik. 

Anh lo lắng nếu giờ vợ đi bước nữa, liệu có chăm sóc con tốt như mình chăm không, anh hỏi luật sư rằng vợ anh trong trường hợp này có được quyền nuôi con không?

Về nguyên tắc, theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 hiện đang áp dụng thì mẹ được quyền nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi (tức dưới 3 tuổi) vì luật pháp cho rằng mẹ thường là người chăm sóc con tốt nhất trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi trường hợp đều áp dụng theo quy định này, bởi theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng chia sẻ, ngoài quy định trên còn phải cân nhắc thêm các yếu tố khác để đảm bảo đứa trẻ được nuôi trong điều kiện vật chất và tinh thần tốt nhất.

Việc giao con cho ai nuôi sẽ được xem xét thêm các yếu tố gần gũi với con, tránh làm ảnh hưởng và xáo trộn lớn đến cuộc sống sinh hoạt thường nhật mà tác động đến tâm lý và sự phát triển bình thường của trẻ.

Đối với trường hợp này, vì trước đó người mẹ đã có hành vi bỏ bê, không quan tâm đến con cái còn nhỏ và vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ chăm sóc con, cho nên người mẹ ấy không đủ điều kiện để được giao quyền nuôi con. Do đó, người cha sẽ được quan tòa cân nhắc giao quyền nuôi con với mong muốn tạo điều kiện để đứa trẻ được phát triển toàn diện.

Ngoài ra, em xin phép chia sẻ thêm để bà con hiểu về quyền và nghĩa của cha hoặc mẹ - người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, đó là người này phải tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, đồng thời có nghĩa vụ cấp dưỡng. Dù vậy, người này được quyền thăm nom con mà không bị ai cản trở, chỉ khi việc thăm nom này làm cản trở và gây ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm con của người này.

Song song đó, người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ như đã nêu trên, yêu cầu họ tôn trọng quyền nuôi con của mình và không được cản trở quyền thăm nom con của người không trực tiếp nuôi con.

Bất kỳ hành vi nào làm trái với quy định của pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm. Chẳng hạn như từ chối hoặc trốn tránh cấp dưỡng cho con sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng hoặc ngăn cản quyền thăm nom con cũng bị áp dụng mức phạt tương tự nói trên

Nếu có thời gian xem lại các vụ án ly hôn, mọi người sẽ thấy đứa con đứng ở giữa là người phải gánh chịu hậu quả lớn nhất từ sự chia ly của cha mẹ, dù sự thật chúng không hề có lỗi ở đây, họa chăng nếu có là do chúng sinh nhầm chỗ. Thật đáng buồn phải không ạ?

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Freepik. 

Có những trường hợp cha hoặc mẹ đều giành quyền nuôi con khi cha mẹ ly hôn, đứa con đứng giữa cũng khổ vì không biết nên theo ai bởi thực sự chúng chỉ muốn được sống cùng cha mẹ, khi ấy mới cho chúng cảm giác được sống trong gia đình hạnh phúc, có đủ cha và mẹ, được yêu thương đùm bọc và chiều chuộng.

Trái lại, có những trường hợp cả cha và mẹ đều không ai muốn nuôi đứa trẻ và hệ quả tất yếu là chúng sẽ được ông bà nội hoặc ông bà ngoại nhận nuôi vì thương cảm chúng còn nhỏ và cũng vì trách nhiệm, hoặc thậm chí có đứa phải bỏ đi lang thang kiếm sống vì chúng chẳng còn ai nương tựa, chẳng còn nơi để về. Một đứa trẻ khi không được định hướng tương lai đúng đắn, chúng rất dễ sa lầy vào các tệ nạn xã hội, không được học hành đến nơi đến chốn và gây ra sự bất an cho những người xung quanh.

Vậy nên mới có câu ‘gia đình là cái nôi của xã hội’, gia đình hạnh phúc thì xã hội mới an ninh và ổn định được, còn không sẽ là nguyên nhân gây ra hàng loạt bất ổn, là mối lo cho mọi người. Do đó, làm gì làm, cha mẹ trước khi hành động, làm ơn hãy nghĩ đến con cái của mình, quyết định sai lầm thì tội con trẻ lắm ạ.