Sự chào đời an toàn của em bé giống như một phép màu đối với cả gia đình.
Từ trước đến nay, sinh nở vẫn là hành trình gian nan mà không ai có thể đoán trước được bất cứ điều gì. Có những mẹ bầu chuyển dạ nhập viện nhiều ngày trời mới có thể đón con chào đời, nhưng cũng có những chị em từ khi xuất hiện cơn đau đẻ đầu tiên cho đến lúc được ẵm con trên tay chỉ vỏn vẹn sau… vài tiếng. Thế nên cũng có rất nhiều tình huống, câu chuyện hy hữu khi thai phụ sinh con quá nhanh, ví dụ như trường hợp của ông bố trẻ bất đắc dĩ phải tự tay đỡ đẻ cho vợ trên xe taxi dưới đây.
Theo thông tin em đọc được trên Vnexpress thì vào ngày 17/4 vừa qua,Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) đã tiếp nhận một ca sinh hết sức đặc biệt. Sản phụ H.T.Q – (26 tuổi, ngụ tại xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) nhập viện trong tình trạng đã sinh con xong được vài phút. Sản phụ và em be sau đó được các nhân viên y tế nhanh chóng hỗ trợ, cắt dây rốn và đưa lên phòng để vệ sinh, sưởi ấm cũng như tiêm phòng.
Được biết, chị Q. mang thai đã được 37 tuần, sáng sớm ngày hôm ấy bất ngờ có dấu hiệu đau bụng chuyển dạ. Nhà cách Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy khoảng 40km, hai vợ chồng đi taxi gần đến thì thai phụ có dấu hiệu rặn sinh. Dù được chồng động viên cố gắng chịu đựng một chút vì sắp đến nơi nhưng đã không kịp, chị Q. sinh con ngay trên xe và chồng trở thành “ông đỡ bất đắc dĩ”.
Bé trai được bố tự tay đỡ đẻ chào đời an toàn, nặng 3,2kg. Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy
Chia sẻ về câu chuyện tự tay đón con trai chào đời trên xe taxi, ông bố dù hạnh phúc nhưng vẫn chưa hết run. Anh cho biết mình không biết đỡ đẻ, nhưng tình thế cấp bách nên trở thành "bà đỡ bất đắc dĩ”. Tự tay đón con trai nặng 3,2kg chào đời là khoảnh khắc đặc biệt mà ông bố sẽ không thể nào quên. Sau khi sản phụ sinh thành công con trai được vài phút, taxi mới vào viện và ngay lập tức được các nhân viên y tế hỗ trợ. Em bé được cắt dây rốn ngay trên xe taxi, sau đó đưa lên phòng vệ sinh, sưởi ấm, tiêm phòng. Trong khi đó, người mẹ cũng được chăm sóc, theo dõi cẩn thận tại Khoa Phụ sản.
Sản phụ và em bé được các nhân viên y tế hỗ trợ kịp thời. Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy
Hiện tại, sức khỏe của hai mẹ con ổn định. Chồng chị Q. vô cùng hạnh phúc và đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi vợ đã “mẹ tròn con vuông”. Câu chuyện đi sinh vô cùng đặc biệt và kỳ diệu này chắc chắn sẽ được bố mẹ kể lại cho em bé nghe khi lớn lên.
Dù người ta hay nói quá trình chuyển dạ lúc nào cũng thật sự dài và khó khăn, không hề đơn giản chút nào. Thế nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ và có không ít trường hợp sản phụ đẻ rơi khi chưa kịp đến bệnh viện. Theo các bác sĩ, khi sản phụ đẻ rơi, những nguy cơ về biến chứng khi sinh, nhiễm trùng mẹ và bé,… đều có thể tiềm ẩn. Do đó, các mẹ bầu nên hết sức cẩn thận và đặc biệt lưu ý.
- Nên đi thăm khám định kỳ đúng lịch: Khi mang thai, việc thăm khám định kỳ là vô cùng quan trọng. Thăm khám, siêu âm đúng lịch giúp người mẹ đảm bảo được sức khỏe của bản thân và con trong bụng. Bên cạnh đó, nếu có những nguy cơ tiềm ẩn, bác sĩ cũng sẽ phát hiện sớm và đưa ra những lưu ý, tìm cách xử trí kịp thời. Các mẹ cần đi khám theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là trong giai đoạn cuối để tầm soát nguy cơ sinh non, giảm thiểu những nguy cơ về việc đẻ rơi.
- Theo dõi các dấu hiệu báo sinh: Đây cũng là việc vô cùng quan trọng. Quá trình chuyển dạ chậm hay nhanh đều phụ thuộc vào cơ địa của mỗi sản phụ. Thế nên khi phát hiện các dấu hiệu báo sinh như đau bụng từng cơn, ra nhớt hồng, vỡ ối,… mẹ bầu cần nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời.
- Tránh đi du lịch, di chuyển xa trong 3 tháng cuối: Để thuận tiện cho việc sinh nở và đảm bảo an toàn cho mình và con, mẹ bầu không nên di chuyển xa trong những tháng cuối. Nếu bắt buộc phải đi xa, chị em nên tìm hiểu về những cơ sở y tế gần đó và các phương tiện di chuyển để đến nơi thuận tiện nhất. Khi đi xa, cần lưu ý mang theo giấy tờ và đặc biệt là sổ khám thai để xử lý nhanh chóng nếu có dấu hiệu chuyển dạ.
- Bình tĩnh nếu lỡ rơi vào trường hợp đẻ rơi: Trong trường hợp chưa kịp đến bệnh viện mà con đã có dấu hiệu đòi ra ngoài, chị em cũng cần hết sức bình tĩnh, không nên hoảng loạn, la hét sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sinh. Ngoài ra cũng có thể khiến những người ở xung quanh bị hoảng hốt theo và không thể hỗ trợ đúng cách. Sản phụ khi bị đẻ rơi cần cố gắng hít thở sâu, hợp tác với mọi người xung quanh. Người ở cùng sản phụ cũng hãy nhanh chóng làm mọi cách để đưa sản phụ đến cơ sở y tế gần nhất.