Đang di chuyển bình thường, tự nhiên xe ô tô ở đâu tông mình ai mà không hoảng cho được. Nhớ lại giây phút ấy, nhiều nạn nhân vẫn chưa hoàng hồn, kể rằng mọi việc diễn ra quá nhanh, tưởng đã ‘đi’ rồi.
Theo VTV và VNE thông tin, vụ việc xảy ra vào lúc 16 giờ hơn, ngày hôm qua 05/4/2023, tại đoạn ngã tư đường Võ Chí Công và Xuân La, Hà Nội, một chiếc ô tô tông liên hoàn vào 17 chiếc xe máy. Hậu quả làm 22 người bị thương, trong đó có một cháu bé 3 tuổi đang tiên lượng nặng. Chưa biết kết quả sau phẫu thuật như thế, nhưng mọi người vẫn mong bé sẽ qua khỏi.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội đã có mặt tại hiện trường để điều tra vụ việc. Tài xế lái ô tô là ông Hoàng Ngọc Vĩnh, 63 tuổi, ngụ quận Long Biên, Hà Nội, đang chở vợ đi khám bệnh từ Bệnh viện Tim Hà Nội về thì xảy ra chuyện. Qua kiểm tra nồng độ cồn cùng các chất kích thích, ông Vĩnh có kết quả âm tính.
Nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được cơ quan điều tra làm rõ, nhưng theo nhận định ban đầu có thể là do ô tô mất phanh dẫn đến mất lái nên mới xảy ra vụ tai nạn thương tâm. Trong khi đó, theo trang Dân Trí, tài xế đã khai mình đạp nhầm chân phanh thành chân ga nên mới mất lái, mất kiểm soát. Còn chính xác thế nào, phải chờ kết quả điều tra.
Theo đúng trình tự thủ tục tố tụng, đối với vụ việc này, cơ quan Công an quận Tây Hồ, Hà Nội đã chính thức khởi tố vụ án liên quan đến hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông theo Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Đồng thời tạm giữ tài xế Vĩnh để thực hiện công tác điều tra về nguyên nhân của vụ tai nạn cùng hậu quả xảy ra nghiêm trọng cỡ nào. Đây chính là yếu tố để xác định mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tài xế ô tô.
Tùy thuộc vào hậu quả xảy ra như vụ tai nạn này có khiến người khác qua đời hay bị thương nghiêm trọng với tỷ lệ từ 61% trở lên hoặc làm thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên hay không sẽ là cơ sở để định khung hình phạt với các hình thức như phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt ‘bóc lịch’ từ 01 năm đến 15 năm. Ngoài ra, tài xế này có thể còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bên cạnh trách nhiệm hình sự phải chịu, theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, vì lỗi gây ra hậu quả làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác nên tài xế này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo giá trị thực tế mà các nạn nhân phải gánh chịu, ưu tiên thỏa thuận trước, nếu không thỏa thuận được thì các nạn nhân có quyền khởi kiện ra Tòa đòi bồi thường cùng các chứng cứ. Cụ thể:
- Đối với khoản thiệt hại về tài sản: Bao gồm giá trị tài sản bị hỏng hoặc hủy hoại cũng như các lợi ích gắn liền với tài sản ấy mà trong trường hợp này là 17 chiếc xe máy.
- Đối với khoản thiệt hại về sức khỏe: Bao gồm các khoản chi phí hợp lý cho việc cứu chữa và bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe cho các nạn nhân cũng như thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, nếu thu nhập không ổn định thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại và chi phí hợp lý cùng phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc cho các nạn nhân. Ngoài ra, tài xế còn phải bồi thường thêm khoản gọi là để bù đắp tổn thất tinh thần, với mức tối đa nếu không thỏa thuận được là 90 triệu đồng.
- Đối với khoản thiệt hại về tính mạng: Bên cạnh các khoản thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, trong trường hợp có nạn nhân qua đời, tài xế phải bồi thường khoản chi phí hợp lý cho việc mai táng và tiền cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng (nếu có) cùng khoản bù đắp tổn thất về tinh thần với mức tối đa 180 triệu đồng, nếu không thỏa thuận được.
Tính sơ sơ nhiêu đây với số nạn nhân thực tế bị nạn trong vụ ô tô ‘điên’ tông liên hoàn 17 xe máy đang đứng dừng đèn đỏ, tài xế phải bồi thường rất nhiều đấy bà con ạ. Nghĩ tới chỉ thấy đau đầu, bởi mới nói, khác với lái xe máy, việc lái ô tô đòi hỏi nhiều kỹ năng và cả các chi phí bảo dưỡng và đăng kiểm định kỳ, chỉ cần chủ quan không làm đúng có thể gây ra hậu quả khôn lường.