Và trong mái nhà thân yêu – chiếc nôi đầu đời của con, con đã lớn lên trong tình yêu bao la của tất cả những thành viên trong gia đình. Cụ, ông bà, bố mẹ là người đã tập cho con những bước đi vững chắc, dạy con những câu nói đầu tiên. Và từ những từ con nói chưa tròn tiếng, những câu con nói chưa trọn nghĩa, cùng với thời gian con đã biết quan sát, biết học hỏi và còn biết lí sự để tạo thành những câu chuyện vui mang lại tiếng cười ấm áp trong chiếc nôi ấm áp tình thương ấy.
Câu chuyện ở trong nhà mẹ muốn kể trước tên mang tên “Mẹ thử lấy cái bút này của con thử điện đi” Một hôm, bố Hùng đang chuẩn bị sửa điện nhờ mẹ lấy hộ bút thử điện. Bố: - Em lấy hộ anh cái bút thử điện trong hộp nhé! Thỏ láu (vội chạy vào bàn cầm cái bút chì ra): - Bút đây, bố thử đi Mẹ (cầm chiếc bút thử điện ra): - Con xem này, lát nữa bố dùng bút thử điện này kiểm tra, có điện thì trên đỉnh của bút sáng lên con ạ. Thỏ láu (cầm chiếc bút đồ chơi lên): - A, mẹ thử lấy cái bút này của con thử điện đi, con viết chữ thì trên đỉnh của bút có màu sáng. Chắc là thử được điện đấy mẹ ạ! Câu chuyện tiếp theo là một câu chuyện ngộ nghĩnh mẹ đặt tên là “Chậu thủng vẫn trồng được hoa đó mẹ!“ Mẹ: - Thỏ ơi, lấy cho mẹ cái chậu ra đây nhé! Thỏ (cầm nhầm chiếc chậu thủng ra): - Mẹ ơi, đây ạ! Mẹ: - Con cầm chậu thủng ra thì mẹ làm gì được đây? Thỏ: - Hôm qua bố mua chậu để ngoài lan can kìa. Chậu thủng vẫn trồng được hoa đó mẹ! Cô bé lý sự này lại làm cả nhà cười ngất! Ngay cả những lúc mẹ dạy con chút kiến thức xung quanh con, cũng có những câu chuyện thật hài hước có tên "Cổ lỗ sĩ" là cổ của cái gì ạ?”đã mang đến niềm vui và nụ cười cho mẹ. Một hôm, Thỏ đang được mẹ dạy về từ "cổ" là chỉ một bộ phận của con người, đồng thời cũng chỉ bộ phận của đồ vật có hình dáng giống cổ. Mẹ: - Con thử chỉ cho mẹ xem đâu gọi là cổ của con đâu nhỉ? Thỏ (chỉ vào cổ): - Mẹ ơi đây ạ! Mẹ (lấy một cái chai và chỉ vào phần cổ chai): - Con đây phần nhỏ có hình dáng giống cổ được gọi là cổ chai con nhé! Thỏ: - Hôm qua, con thấy chú Long nói với bố là "cổ lỗ sĩ". Thế "cổ lỗ sĩ" là cổ của cái gì hả mẹ? Mẹ lại vắt óc suy nghĩ để giải thích cho con một cách dễ hiểu nhất sau tiếng cười vang. Mỗi tuổi mỗi khác, con biết quan sát, biết so sánh, biết lí luận... Câu chuyện có tên “Mẹ cho con để móng tay, móng chân dài được không ạ?” đã nói lên điều đó! Chủ nhật, cả nhà mình cùng nhau dọn dẹp, mỗi người một việc. Thỏ láu chạy lăng xăng nên cả nhà đều sợ bé ngã. Bố liền gọi bé lại Bố: - Thỏ ra sân ngồi xem bố tắm cho con mèo trắng nhà mình nhé! Thỏ láu (ngồi xem một lúc rồi chạy vào nhà): - Mẹ ơi, cho con mượn kìm bấm móng tay ạ? Mẹ: - Để làm gì vậy con? Thỏ láu: - Để con đưa bố cắt móng chân cho mèo, mỗi lần mẹ tắm cho con xong, nếu thấy móng tay và móng chân dài mẹ đều cắt ngắn cho con mà. Con thấy móng chân mèo dài lắm! Mẹ: - Mèo có móng dài để bám chắc mỗi khi leo trèo nên mình không phải cắt con ạ! Thỏ láu: - Thế mẹ cho con để móng tay, móng chân dài được không ạ?Tháng sau nhà mình về quê chơi, con sẽ trèo cây và bám chắc như mèo... Cả nhà được một phen cười vỡ bụng, còn con thì nở nụ cười lém lỉnh đáng yêu! Những câu chuyện vui bên con, những lời nói hóm hỉnh của con còn xuất hiện ở những khoảnh khắc đồng hành cùng mọi thành viên trong gia đình đón những ngày lễ của quê hương... Câu chuyện có tên “Con đang ‘thử phá cỗ’ đây ạ!” làm mẹ nhớ lai hình ảnh Thỏ láu dễ thương của mẹ đang “thử phá cỗ” trong nhà mình Trung thu năm ngoái, cả nhà đi chơi thấy ở ngoài đường đã có rất nhiều cửa hàng bán bánh nướng, bánh dẻo. Mẹ: - Còn hơn một tháng nữa là đến Tết Trung Thu rồi các con ạ! Thỏ: - Tết Trung Thu là gì hả mẹ? Mẹ: - Tết Trung Thu trăng rất sáng và tròn, mẹ sẽ cho các con đi mua đồ chơi, sau đó nhà mình có bánh nướng, bánh dẻo, có bưởi, có hồng..., có nhiều món để cho các con phá cỗ. Hôm sau nhà làm cơm cũng giỗ cụ, khi mâm cỗ được dọn ra. Thỏ liền cầm đũa gõ vào bát ăn cơm và vào các đĩa đựng thức ăn. Mẹ (nghiêm mặt hỏi): - Thỏ, con làm gì vậy? Thỏ: - Con đang "thử phá cỗ" đây ạ! Thì ra, con cho rằng "phá cỗ" tức là quậy phá ở mâm cỗ, mẹ vừa buồn cười vừa giải thích cho con hiểu để con “phá cỗ” một cách đúng nghĩa ở những ngày Trung thu sắp đến. Rồi có những câu chuyện hài hước mà mẹ đã làm thành thơ để mỗi khi con ôm mẹ, mẹ có thể đọc nó cho con để niềm vui của mẹ mãi lắng đọng cùng con gái yêu quý:
Một hôm mẹ đi làm về Con sà vào lòng mẹ liền hỏi luôn: “Bụng mẹ có em bé không? Sao con ôm thấy to hơn thế này” Mẹ rằng: “Có em Mỡ đây” Con liền ôm chặt ghé tai nghe liền. Nói rằng: “Để con thử xem… “Em Mỡ đạp mẹ thế nào mẹ ơi” Mẹ giải thích trong tiếng cười: “Là do mẹ béo nên người vậy thôi.. Bụng mẹ không có em đâu Cảm ơn con gái quan tâm mẹ nhiều!
Mỗi lần con ôm mẹ, mẹ lại nhớ đến câu chuyện này, muốn sinh thêm một em bé cho con. Và chắc hẳn mỗi chặng đường con lớn lên, khi nghe lại bài thơ này đầy kỷ niệm này và sẽ trân trọng những khoảnh khắc tuổi thơ con đã đi qua phải không con? Và tiếp nữa đến câu chuyện xảy ra khi cả nhà chuẩn bị đi xuống bà ngoại chơi mang tên: “Mẹ dùng luôn khóa này cho túi nhé!” đầy thú vị về con yêu khi mẹ lấy nhầm chiếc túi không có khóa kéo xuống nhà. Mẹ: - Bố Hùng ơi, chạy lên tầng 2 lấy hộ em cái túi có khóa màu đỏ để đựng đồ cho các con nhé, em lấy nhầm chiếc túi không có khóa này rồi! Thỏ láu (chạy vào lấy chiếc khóa cửa để ở góc nhà): - Bố không phải lên gác lấy đâu. Ở dưới này có khóa đây ạ!Mẹ dùng luôn khóa này cho túi nhé! Mẹ: - Đây là chiếc khóa dùng để khóa cửa con ạ. Bố (mang chiếc túi đỏ xuống và chỉ cho Thỏ xem): - Thỏ à, đây là chiếc khóa của túi đây này, có khóa kéo vào nó sẽ an toàn con ạ! Thỏ: - Nhưng chiếc khóa này không có chìa khóa như khóa con đang cầm. Có chìa khóa mới an toàn chứ...
Những khoảnh khắc đáng yêu của con trong ngôi nhà thân yêu
Những câu chuyện vui bên con không chỉ bó hẹp trong ngôi nhà thân yêu của mình mà nó còn xảy ra ở những nơi con được bố mẹ thường xuyên cho đi. Chẳng hạn, như một hôm cả nhà mình cùng đi siêu thị. Mẹ: - Các con thích ăn gì nào? Thỏ láu: - Chúng con thích ăn bánh ạ! Một lát sau, cả nhà ra đẩy xe ra quầy thanh toán. Mẹ: - Hôm nay, bố mẹ không chọn bánh cay. Tất cả các loại bánh ở trong xe các con đều ăn được. Thỏ láu: - Nhưng bánh xe không ăn được đâu mẹ ơi! Hay câu chuyện mang tên “Cháu chào "cụ bé" ạ! “cũng thật ngộ nghĩnh Cả nhà mình đến thăm cụ. Vì cụ đã ngoài 85 tuổi, bị ốm lâu ngày và hiện nay không thể tự đi vệ sinh cá nhân được mà phải đóng bỉm dành cho người lớn. Cả nhà đến đúng lúc cụ vừa thay bỉm xong. Mẹ: - Con chào cụ đi nào! Thỏ láu: - Cháu chào "cụ bé" ạ! Bố: - Sao con lại chào là "cụ bé"? Thỏ láu: - Mỗi lần đóng bỉm cho con, mẹ hay gọi “Em bé của mẹ vào đóng bỉm nào”. Hôm nay con thấy cụ cũng đóng bỉm nên con chào là "cụ bé" ạ! Khi cả nhà mình có dịp về thăm quê, con tạm xa trung tâm thành phố tàu xe tấp nập để đến với những vườn cây trái ngọt của quê mình, con đã khám phá được nhiều thứ, học hỏi được nhiều điều và không ngừng thắc mắc để làm thành những câu chuyện vui... Đó là câu chuyện mang tên “Con không nhìn thấy chân của cây đâu mẹ ơi! “xảy ra trong khu vườn có cây dưa hấu của nhà ông trẻ. Mẹ: - Thỏ ơi, đây là cây dưa hấu mà mẹ hay mua quả cho con ăn đó! Thỏ láu: - Mẹ ơi, sao quả dưa hấu to như vậy mà thân cây lại nhỏ thế hả mẹ? Mẹ: - Ừ, dưa hấu là loại cây thân bò con ạ, thân cây bò trên mặt đất đây nè con. Thỏ láu: - Phải có chân mới bò được chứ mẹ. Con không nhìn thấy chân của cây đâu mẹ ơi! Rồi đến câu chuyện “Quả trứng gà trên cây này có mang về rán lên được không mẹ nhỉ?” khi cả nhà đến chỗ có cây trứng gà sai trĩu quả của nhà ông. Ông trẻ: - Cả nhà xuống vườn hái trứng gà đi nhé! Bố, mẹ và con: - Vâng ạ! Mẹ: - Quả màu vàng ở trên cây gọi là quả trứng gà đấy các con ạ. Thỏ láu: - Quả trứng gà trên cây này có mang về rán lên được không mẹ nhỉ? Bố, mẹ (cười ngất vì Thỏ láu nghe tên trứng gà là nghĩ ngay đến món trứng rán yêu thích của mình đó các mẹ ạ)
Khoảnh khắc khám phá của con gái yêu
Những tình huống hồn nhiên, những hành động ngây thơ của con đã tạo nên niềm vui và cảm xúc của mẹ trong bài thơ mẹ viết về con trong cuốn nhật ký:
Mỗi ngày mẹ làm việc vất vả Nhưng mỗi ngày đều có niềm vui Vì mẹ có con trên đời Được nghe giọng nói với lời hồn nhiên Được nghe nhiều ý nghĩ sáng tạo Trong tiềm thức tuổi thơ ngọt ngào Mẹ nghe sung sướng biết bao Mệt nhọc tan biến, vui thay mỗi ngày!
Những câu chuyện vui bên con mỗi ngày sẽ là những sợi chỉ dệt nên “tấm vải” niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống gia đình mình. Nó sẽ như cánh buồm no gió để chắp cánh cho bố mẹ nuôi dạy con đến bến bờ của sự trương thành trong tương lai đó con yêu ạ!
Chào mẹ daudocute
BTC Morinaga check lại kết quả trả lời câu hỏi của mẹ rồi. Mẹ tham gia tuần 3 vào ngày 16/06/2013 lúc 11:22:19, câu hỏi số 2, mẹ chọn đáp án a/ Tăng cường sức đề kháng cho bé nhờ bổ sung Lactoferrin - protein có nhiều trong sữa mẹ (đặc biệt là sữa non). Cám ơn mẹ đã gửi ý kiến phản hồi.
Trân trọng
BTC Morinaga