Thịnh hành
Cộng đồng
Thông báo
Đánh dấu đã đọc
Loading...
Đăng nhập
Đăng nhập
Tạo tài khoản
Đăng nhập qua Facebook
Đăng nhập qua Google
Bài viết
Cộng đồng
Bình luận
Những trò chơi mùa hạ gọi ký ức tuổi thơ
Hè về, ai từng lớn trên lưng trâu, dậy thì với đòng lúa... sẽ không quên tuổi thơ tắm dưới cơn mưa rào, ăn kem mút 2 hào ngọt lịm.
Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người, mùa gặt còn được gọi là mùa vui bởi đó cũng là thời điểm nghỉ hè. Kỳ nghỉ kéo dài 3 tháng từ tháng 6 đến hết tháng 8, để đầu tháng 9 tựu trường. Tạm gác lại sách vở với tiếng trống trường, trẻ em tha hồ chân trần chạy nhảy khắp đường làng, ngõ xóm đầy rơm rạ thơm nồng.
Những đứa trẻ lớn lên trên lưng trâu thường thuộc nằm lòng câu thơ của Giang Nam "Ai bảo chăn trâu là khổ?/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao" (Quê hương).
Quê hương nào cũng có một dòng sông của tuổi thơ. Chiều chiều thả trâu trên bến nước, lũ trẻ cởi trần thích thú nhảy ùm từ bờ đê, lan can cầu xuống sông, ngụp lặn đến đỏ ngầu mắt, mặt trời tắt hẳn nắng mới chịu trở về nhà.
Mùa hạ với những cơn mưa rào cũng là mùa tắm mưa của lũ trẻ. Quần áo ướt đẫm, đứa nào đứa nấy cười giòn tan trong cơn mưa chiều. Nước mưa trong lành, mát lạnh làm con đường đất ở quê trở nên nhão nhoẹt. Trẻ con tha hồ "trượt patin", rồi chạy ra mảnh ruộng săm sắp nước đi tìm bắt cá rô đồng.
Mảnh ruộng còn trơ gốc rạ, mặt ruộng khô cong trở thành sân bóng cho lũ trẻ so tài.
Cây rơm bên góc vườn là nơi chơi trốn tìm lý tưởng của những cậu bé tuổi 9-10.
Nghỉ hè nhưng nhiều cậu học trò chăm chỉ vẫn không quên sách vở để chuẩn bị cho một mùa tựu trường mới.
Que kem mút 2 hào là món quà xa xỉ đối với trẻ. Kem 3 hào có thêm một hạt nho đỏ chót, ngọt lịm ở cuối que.
Kẹo kéo ngọt lịm, quấn quanh que tre hấp dẫn chẳng kém gì kem mút. Trẻ con ngày xưa rất chăm chỉ đi nhặt ve chai, để dành lông gà, lông vịt để đổi lấy kẹo.
Tháng 6 là mùa thả diều. Tuổi thơ nghèo khó không có tiền sắm những chiếc diều sặc sỡ, lũ trẻ dùng vở học sinh đã viết hết, bìa bao xi măng và khung tre để làm diều giấy. Cánh diều dán bằng cơm nguội, có gắn những thanh sáo gặp gió chiều thổi vi vu vẫn bay rất cao, rất xa.
Quê hương là con diều biếc. Tuổi thơ con thả trên đồng...(Quê hương - Đỗ Trung Quân).
Lúa chín rộ cũng là mùa châu chấu, muồm muỗm béo ngậy sinh sôi. Với vợt tự chế, lũ trẻ đi vợt châu chấu và biến chúng thành món "tôm bay" hấp dẫn trong ngày hè.
http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/nhung-tro-choi-mua-ha-goi-ky-uc-tuoi-tho-3000889.html
04:12 SA 07/06/2014
Những giai nhân một thuở của Sài Gòn
Thẩm Thúy Hằng khoe dáng thon thả, Kiều Chinh đằm thắm, ca sĩ Minh Hiếu có nét kiều diễm của Liz Taylor... Họ là những nhan sắc nổi tiếng một thời.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Tiến Mậu, chủ tiệm ảnh Viễn Kính nổi tiếng Sài Gòn một thời từng chụp rất nhiều bức chân dung tài tử, minh tinh nổi tiếng trong nước. Trong ảnh là bức chân dung ông chụp diễn viên Thẩm Thúy Hằng mặc áo tắm. Bức ảnh này đăng trên bìa bộ ảnh lịch xuân 1967 báo Phụ Nữ Ngày Mai. Vào thời đó, đang giai đoạn chiến tranh, việc tìm một địa điểm đẹp mà an toàn để chụp ảnh là khá khó khăn nhưng êkíp của nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu vẫn cố gắng đến con suối Lồ ô ở Dĩ An gần Biên Hòa để thực hiện. Bức ảnh ghi lại vẻ đẹp đầy sức sống của nữ diễn viên với hình con suối làm hậu cảnh. Việc thể hiện hình ảnh nữ nghệ sĩ khoe dáng nuột nà trong bộ áo tắm cũng được đánh giá là táo bạo thời bấy giờ.
Nhan sắc của minh tinh Thẩm Thúy Hằng qua ống kính Đinh Tiến Mậu.
Nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh với vẻ đẹp trong trẻo và quyến rũ. Bà nằm trong số diễn viên Việt Nam ít ỏi tham gia phim truyền hình và điện ảnh Mỹ. Trong đó, nổi bật là vai diễn trong phim "The Joy Club" (Phúc Lạc Hội) của Wayne Wang.
Ca sĩ Minh Hiếu phảng phất nét đẹp của diễn viên điện ảnh Mỹ Liz Taylor. Theo ông Đinh Tiến Mậu, cô Minh Hiếu đẹp nổi trội nhất trong số nữ nghệ sĩ ông đã chụp chân dung.
Nghệ sĩ Thanh Nga.
Ca sĩ Diễm Thúy với vẻ đẹp bốc lửa qua góc máy của nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu.
Năm 1960 báo Phụ Nữ Ngày Mai ở Sài Gòn tổ chức cuộc thi hoa hậu bằng hình ảnh. Tối 1/9/1960, kết quả được trao tại Câu lạc bộ báo chí Sài Gòn. Người nhận vương miện với danh hiệu cao nhất là người đẹp Nguyễn Thị Kim Sang (trong ảnh). Cô lúc đó 17 tuổi, là nữ sinh lớp đệ tam (lớp 10 ngày nay) trường Huỳnh Khương Ninh, Đa Kao, Sài Gòn. Với danh hiệu đoạt được, cô được tặng một huy chương vàng trị giá 12.000 đồng.
Ca sĩ - diễn viên điện ảnh Thanh Lan.
Ban hợp ca Thăng Long với ba anh em ruột là Hoài Trung, Hoài Bắc và Thái Thanh (đứng). Bức ảnh này được chụp ở studio Viễn Kính.
Trong bức ảnh, Thái Thanh bận áo dài vạt dài chứ chưa cao lên gối như kiểu áo dài của thập niên 1970 trở về sau.
Ảnh thiếu nữ Sài Gòn trên bìa 4 tạp chí Sáng Dội Miền Nam số Tết Nhâm Dần 1962.
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/trong-nuoc/nhung-giai-nhan-mot-thuo-cua-sai-gon-2948445.html
02:04 SA 08/02/2014
Ký ức tuổi thơ với những trò chơi con trẻ ngày xưa
Trồng nụ trồng hoa, đánh chuyền, súng thụt... hầu như biến mất khiến nhiều người lớn tiếc nuối.
Những bức ảnh gợi nhớ về tuổi thơ thiếu thốn nhưng không thiếu trò chơi.
2-5 bé gái ngồi vòng tròn với 10 que tre nhỏ và một quả cà chơi trò đánh chuyền. Mỗi bé gái 7-8 tuổi thời đó đều thuộc làu bài ca Một mốt, một mai, con trai, con hến... Đôi tôi, đôi chị... Ba lá đa, ba lá đề... Hết bàn mười thì chuyền bằng hai tay, chuyền một vòng, hai vòng hoặc ba vòng và tiếp tục hát Đầu quạ, quá giang, sang sông, trồng cây, ăn quả, nhả hột...
Trò chơi con quay của các bé trai.
Trò đánh sỏi là niềm ưa thích của con gái mỗi giờ ra chơi.
Bắn bi luôn là trò cuốn hút tất cả con trai khi còn thơ bé. Trò chơi giúp vận động, quan sát tốt với chiến lợi phẩm là những viên bi vừa bắn trúng của đối phương.
Cánh diều tuổi thơ ngày xưa thường được làm từ khung tre, dán giấy vở học sinh, giấy bao xi măng và dính bằng cơm nguội.
Những tàu lá cau già cỗi, rụng xuống đất được người dân quê dùng làm quạt mo và trở thành xe kéo của trẻ em thời bấy giờ.
Các bạn nhỏ say mê với trò chơi cờ tướng bên vỉa hè.
Tiếng cười vang lên giòn tan khi chơi bài.
'Tuổi thơ dữ dội' của những đứa trẻ chơi bài quẹt nhọ nồi.
Những trò chơi của trẻ em Việt ngày xưa
Những cuốn truyện tranh dù cũ nát vẫn được các thế hệ truyền tay nhau đọc với sự say mê không hề giảm.
Ném lon là trò chơi vận động hấp dẫn nhất một thời.
Trò chơi ống thụt cò ke được con trai rất yêu thích nhưng lại là nỗi kinh hãi của con gái một thời. Đến mùa cò ke, đám trẻ lại rủ nhau đi hái từng chùm về làm đạn, cho vào ống tre rồi bắn. Cò ke vừa cứng, vừa có nhựa bắn vào rát bỏng tay, khiến con gái cứ nhìn thấy đám con trai cầm ống thụt cò ke là rủ nhau chạy trốn. Trò chơi thú vị nhưng nguy hiểm nay hầu như không còn.
Những cây súng làm từ cuống của tàu lá chuối trong trò chơi trận giả luôn khiến trẻ em thời ấy say mê.
Chơi bóng nước sau mỗi buổi chiều chăn trâu.
Trẻ con thời trước, chỉ đợi đến khi có những cơn mưa rào là lại rủ nhau cởi trần, chạy khắp đường làng, ngõ xóm để tắm mưa.
Trò nhảy dây vẫn xuất hiện trong mỗi giờ chơi của trẻ em thôn quê, miền núi.
Trò pháo đất chỉ trẻ em vùng nông thôn mới hay chơi. Pháo được làm từ đất sét hoặc đất thịt lấy từ dưới ruộng lên, nặn thành khuôn xong rồi thi nhau cho nổ. Người chiến thắng là người có pháo nổ to, lỗ thủng rộng. Trước có nhiều hội thi pháo đất ở Thái Bình, Hải Dương.
http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/ky-uc-tuoi-tho-voi-nhung-tro-choi-con-tre-ngay-xua-2945851.html
05:28 SA 05/02/2014
Lòng tự trọng của một sinh viên đánh giày vỉa hè
Cầm ly cà phê uống dở, cậu sinh viên uống cạn rồi đi về hướng chủ quán. Cậu lấy ra 10.000 trả tiền ly cà phê vừa được mời. Cậu bảo "con uống thì con trả. Chú cho con đánh giày để có thu nhập là con cám ơn nhiều lắm rồi…".
Mặc cho dòng người qua lại, cậu thanh niên vẫn cặm cụi đánh giày. Cậu ngồi trên thùng nhựa nhỏ, một tay cho vào bên trong chiếc giày, một tay cầm bàn chài phớt sơ lớp bụi.
Một ít xi được bôi lên. Xong chiếc này đến chiếc khác. Khi cả hai chiếc thấm lớp xi, cậu kẹp chiếc giày vào đùi dùng một miếng nỉ chà lên. Miếng nỉ đi đến đâu, giày bóng loáng đến đó…
Cậu còn rất trẻ mặt mũi khôi ngô sáng sủa. Chiếc quần xanh và áo sơ mi trắng gọn gàng phẳng phiu.
Đặc biệt, đôi mắt sáng long lanh, cậu làm việc chăm chú, cẩn thận và tỉ mỉ. Buổi sáng chủ nhật bên cạnh siêu thị Coop Mart Thủ Đức người đông nhưng cậu cũng mặc. Vẫn cặm cụi trong công việc…
Đôi giày đã đánh xong bóng loáng như mới. Cầm đến trao cho khách, nhận tiền công, cậu cúi người cám ơn rồi thu lại đôi dép cho vào thùng.
Miếng nỉ trên tay, cậu sinh viên làm bóng đôi giày với tất cả lòng tự trọng.
Hàng ghế nhựa sắp dọc theo bức tường của quán cà phê vỉa hè cạnh siêu thị vẫn còn trống. Cái thú uống cà phê vào buổi sáng sớm với tờ báo trên tay dường như là thói quen của những người Sài Gòn. Hớp một ngụm cà phê nóng, đặt tờ báo lên đùi, nhìn lãng đãng ra đường…
Tôi và anh Hòa, người bạn thâm giao ngồi vào chiếc bàn kê sát tường. Không cần gọi, dường như chủ quán đã quá quen thuộc với chúng tôi. Hai ly cà phê sữa nghi ngút khói…
Khách đông dần. Mỗi người vào quán mang một tâm trạng khác nhau. Người uống vội rồi ra đi. Người nhâm nhi chậm rãi. Chúng tôi ngồi bên nhau yên lặng một hồi. Bỗng anh Hòa nói với tôi về một câu chuyện cũ. Giọng anh chùng xuống khi nhắc đến những đau buồn.
Thôi anh ạ, tôi nói với anh ấy, mình hãy nhìn về phía trước. Chuyện gì đã qua, cho qua luôn đi.
Anh trầm ngâm. Một thanh niên tiến lại gần bên anh: “Chú cho con đánh giày nha chú”. Thì ra cậu thanh niên lúc nãy. Anh Hòa tháo đôi giày nhận đôi dép từ anh thanh niên. Tôi ngăn lại: “Ngồi xuống uống ly cà phê xong rồi đánh cũng được”.
Ly cà phê đá được mang ra. Khuấy nhẹ. Cháu đi đánh giày lâu chưa? Lễ phép, anh thanh niên thỏ thẻ, dạ chỉ mới vài tháng nay thôi chú ạ.
Câu chuyện của chúng tôi với thanh niên đánh giày cởi mở dần. Thì ra, cậu ấy là sinh viên của trường đại học Bưu chính viễn thông. 22 tuổi, quê Quảng Ngãi. Nhà nghèo rời quê hương vào thành phố trọ học, cậu không tìm ra được một công việc nào có thể có thêm thu nhập để trang trải những chi phí ăn học.
Một người quen gợi ý cho cậu em công việc này và đã cho thuê chiếc thùng nhựa đầy đủ đồ nghề với giá 10.000đ/ngày để kiếm sống.
Những ngày đầu còn bỡ ngỡ, cậu ta vào các nhà hàng, quán lớn để tìm khách nhưng không một nơi nào cho vào...
“Chỉ có những quán vỉa hè như thế này con mới kiếm sống được chú ạ. Không biết có phải người nghèo mới thương người nghèo không nhưng con thấy dường như là thế...
Giọng cậu sinh viên chùng xuống khi liếc nhìn thấy những hình ảnh bão lũ trên tờ báo chúng tôi cầm trên tay. "Mùa này quê con thiệt hại nhiều quá. Nhà con nằm trong rốn lũ nên cả nhà tan hoang. Trước đây con đánh giày kiếm thêm tiền học giờ đây phải làm nhiều hơn để có dư đồng nào gởi về phụ giúp gia đình".
Có một chút gì cay cay trên khóe mắt. Đời một sinh viên vất vả đến thế sao?
Trong lúc hàng ngày nhiều sinh viên hồn nhiên, vô tư lự, vui chơi, rong ruổi khắp các nẻo đường thì ở một góc xa thành phố vẫn còn có một sinh viên xa quê lăn lộn mưu sinh bằng cái nghề đơn giản không cần chút chất xám nào.
Ly cà phê vơi hơn một nửa. "Chú cho phép con làm việc nhé" rồi cậu cầm đôi giày ra một góc xa ngồi say sưa với công việc, 15 phút sau lại mang vào. Bao nhiêu vậy cháu? Dạ cho con 7.000.
Anh Hòa cầm tờ 10.000 đưa và nói cháu khỏi thối. Thế nhưng thật bất ngờ, 3.000 lẻ được cậu ấy móc ra trả lại. Con chỉ lấy đúng giá.
Cầm ly cà phê uống dở, cậu sinh viên đánh giày uống cạn rồi đi về hướng chủ quán. Cậu lấy ra 10.000 trả tiền ly cà phê vừa uống. Tôi và anh Hòa bất ngờ quá ngăn lại. Chú đãi cháu mà. "Dạ không thưa chú, con uống thì con trả. Chú cho con đánh giày để có thu nhập là con cám ơn nhiều lắm rồi…".
Chúng tôi ngớ ra. Dường như cả tôi và anh bạn lần đầu tiên mới gặp trường hợp này. Một người trẻ rất khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn giữ được lòng tự trọng. Giá như, sinh viên nói riêng và thanh niên nói chung ai cũng như anh sinh viên này chắc chắn xã hội sẽ còn đẹp hơn rất nhiều…
http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/long-tu-trong-cua-mot-sinh-vien-danh-giay-via-he-807207.htm
06:40 SA 25/11/2013
Biếm họa tên vợ trong điện thoại của chồng
Mở điện thoại của chồng, thấy một loạt tin nhắn đến từ 113, chị Ngọc tá hỏa không biết anh làm gì mà liên quan đến cảnh sát cơ động. Đọc nội dung, chị mới ớ ra đó là những tin mình gửi.
Tuyệt chiêu hồi sinh tình cảm vợ chồng
Tên 'độc' ở nhà của bé
"Hỏi sao lại lưu tên vợ như thế, thì ông ấy bảo 'đúng là số điện thoại khẩn cấp còn gì. Em chả là cảnh sát suốt ngày muốn theo dõi nhất cử nhất động của anh sao'", chị Ngọc (Giáp Bát, Hà Nội) kể. Trước đây, hồi mới yêu, anh thường lưu tên chị là "Mun yêu" rồi "Bé cưng". Khi cưới, tên này được đổi thành "Vợ iu", có con rồi là "Mẹ Mướp" và sau đó là V26, giờ thành 113.
"Hồi đặt nick V26 mình cũng không hiểu gì, tìm kiếm trên Google thì ra là 'Cục quản lý trại giam', tức điên người. Lần này ban đầu cũng ấm ức, nhưng sau chẳng thèm quan tâm nữa. Đã vậy mình đổi tên ông xã trong điện thoại, từ "Chồng yêu" thành "Của Nợ" cho bõ ghét", chị Ngọc nói.
Tên vợ, chồng trong danh bạ điện thoại đôi khi cũng thể hiện tình trạng hôn nhân. Ảnh minh họa: MT.
Xung quanh chuyện vợ chồng đặt tên nhau trong điện thoại cũng nhiều chuyện cười ra nước mắt. Bên cạnh những cách gọi quen thuộc như Chồng/vợ yêu, Anh/em yêu, Bố/mẹ Tun (tên con)... là vô vàn những nickname mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Chị Nhung (khu tập thể Đồng Xa, Hà Nội) cho biết, tên chị trong máy của chồng được đặt là Thị Nở. Dù vậy chị không hề thấy buồn. "Anh xã tên Tùng, hay được mọi người gọi Tùng Phèo, còn mình toàn trêu Chí Phèo, thế là chàng đặt luôn tên cho vợ thành Thị Nở cho xứng lứa vừa đôi", chị nói.
Trước đó, có lần xem điện thoại của chồng thấy có hàng loạt cuộc gọi từ một người có tên Hai Néo, chị thắc mắc đó là ai thì chồng đáp gọn lỏn "xem số đi, vợ chứ ai" rồi giải thích luôn "Hai Néo là Heo Nái đó, 2 lứa rồi còn gì". "Mình chẳng hơi đâu mà đi giận chồng vì mấy cái chuyện đặt tên đó, quan trọng là biết ông ấy vẫn yêu vợ, thương con, hết lòng vì gia đình", chị Nhung chia sẻ.
Cũng không ít cách lưu tên của các ông chồng khiến bà vợ nổi cơn thịnh nộ. "Bình thường mình chẳng kiểm tra điện thoại của chồng bao giờ. Hôm đó anh xã mượn máy mình gọi vào máy hắn để kiểm tra chuông, liếc thấy chữ "A Con Ma" đang gọi, mình giận sôi người. Sau đó, mình sửa ngay lại thành "A Vợ Con Ma", chị Bích (Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) kể.
Chị Loan (Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính) cũng nóng mặt khi phát hiện chồng đặt tên mình trong điện thoại là "Shut Up" (Câm miệng). "Quả thực là mình cũng hay cằn nhằn hắn, nhưng đến nỗi nào mà chồng nỡ đặt cho vợ cái tên quá đáng như thế. Hóa ra mỗi khi mình gọi tới là hắn chỉ muốn mình im mồm đi luôn à", bà vợ 36 tuổi bức xúc.
Khi đem chuyện này kể với mấy đồng nghiệp, chị phát hiện ra rằng cũng có những bà vợ được chồng đặt tên cho là "Osin", "Sư Tử Thủ Đô" hay "Thèm Tiền", "Khó Chiều"... "Bọn mình thì hết lòng vì chồng vì con, có khi quên cả chăm sóc bản thân, thế mà đều trở thành 'ngáo ộp' hết trong mắt các ông chồng. Thật chẳng còn gì để nói", chị Loan bộc bạch.
Có những ông chồng lại lưu tên vợ thành những cụm từ đầy tâm trạng. Anh Trung (Phúc Diễn, Hà Nội) kể, hồi yêu và mới cưới anh lưu tên chị là "Honey", sau này, thấy vợ ngày nào cũng gọi điện liên tục để kiểm tra chồng ở đâu, làm gì, anh đổi thành "Xin Đừng Gọi Anh Nữa", "Vợ Ơi Đừng Gọi" và "Police" (cảnh sát) kèm theo hình ảnh mình đang ngồi sau song sắt.
"Thật ra đàn ông chúng tôi cũng chả mấy quan tâm đến việc lưu tên là gì đâu, nhưng nhiều khi bức xúc quá, hoặc có khi rỗi việc, nảy ra vài nick độc độc cho bà xã", anh Trung kể.
Cũng như cánh mày râu, phụ nữ cũng dành nhiều cái tên "chẳng giống ai" để gọi chồng qua điện thoại. Những cái tên này cũng thay đổi tùy theo tâm trạng của họ hay tình trạng tình cảm vợ chồng.
Chị Huệ (Yên Hòa, Hà Nội) kể, chị đổi tên chồng trong danh bạ điện thoại liên tục: Lúc yêu là My Love, cưới nhau chuyển thành Chồng Yêu, sau đó là Bụng Bự rồi Bố Bệu và giờ là Về Ăn Cơm. "Bây giờ mỗi lần gọi điện thì chỉ có việc hỏi xem đang ở đâu, gọi về đến bữa, nên đặt thế cho tiện", chị Huệ nói.
Những nickname đặt cho chồng đôi khi là cách thể hiện nỗi niềm của chị em và liên quan đến những kỷ niệm giữa hai vợ chồng.
Chị Hà (Tô Hiệu, Hà Nội) kể, sau một lần hai vợ chồng cãi nhau, chị đổi tên chồng trong danh bạ từ "Anh Yêu" thành "Hết Yêu", ngay hôm sau chị thấy nick này đã được đổi thành "Anh Mãi Yêu Em". "Vẫn đang giận nhưng cũng không nín được cười. Hắn láu cá lắm, đã lấy máy của mình để tự sửa lại", chị Hà kể.
http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/biem-hoa-ten-vo-trong-dien-thoai-cua-chong-2820530.html
02:43 SA 14/06/2013
g
gakhongbietgay
Chuyên gia
10.8k
Điểm
·
1.19k
Bài viết
Gửi tin nhắn
Báo cáo
Lên đầu trang
Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người, mùa gặt còn được gọi là mùa vui bởi đó cũng là thời điểm nghỉ hè. Kỳ nghỉ kéo dài 3 tháng từ tháng 6 đến hết tháng 8, để đầu tháng 9 tựu trường. Tạm gác lại sách vở với tiếng trống trường, trẻ em tha hồ chân trần chạy nhảy khắp đường làng, ngõ xóm đầy rơm rạ thơm nồng.
Những đứa trẻ lớn lên trên lưng trâu thường thuộc nằm lòng câu thơ của Giang Nam "Ai bảo chăn trâu là khổ?/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao" (Quê hương).
Quê hương nào cũng có một dòng sông của tuổi thơ. Chiều chiều thả trâu trên bến nước, lũ trẻ cởi trần thích thú nhảy ùm từ bờ đê, lan can cầu xuống sông, ngụp lặn đến đỏ ngầu mắt, mặt trời tắt hẳn nắng mới chịu trở về nhà.
Mùa hạ với những cơn mưa rào cũng là mùa tắm mưa của lũ trẻ. Quần áo ướt đẫm, đứa nào đứa nấy cười giòn tan trong cơn mưa chiều. Nước mưa trong lành, mát lạnh làm con đường đất ở quê trở nên nhão nhoẹt. Trẻ con tha hồ "trượt patin", rồi chạy ra mảnh ruộng săm sắp nước đi tìm bắt cá rô đồng.
Mảnh ruộng còn trơ gốc rạ, mặt ruộng khô cong trở thành sân bóng cho lũ trẻ so tài.
Cây rơm bên góc vườn là nơi chơi trốn tìm lý tưởng của những cậu bé tuổi 9-10.
Nghỉ hè nhưng nhiều cậu học trò chăm chỉ vẫn không quên sách vở để chuẩn bị cho một mùa tựu trường mới.
Que kem mút 2 hào là món quà xa xỉ đối với trẻ. Kem 3 hào có thêm một hạt nho đỏ chót, ngọt lịm ở cuối que.
Kẹo kéo ngọt lịm, quấn quanh que tre hấp dẫn chẳng kém gì kem mút. Trẻ con ngày xưa rất chăm chỉ đi nhặt ve chai, để dành lông gà, lông vịt để đổi lấy kẹo.
Tháng 6 là mùa thả diều. Tuổi thơ nghèo khó không có tiền sắm những chiếc diều sặc sỡ, lũ trẻ dùng vở học sinh đã viết hết, bìa bao xi măng và khung tre để làm diều giấy. Cánh diều dán bằng cơm nguội, có gắn những thanh sáo gặp gió chiều thổi vi vu vẫn bay rất cao, rất xa.
Quê hương là con diều biếc. Tuổi thơ con thả trên đồng...(Quê hương - Đỗ Trung Quân).
Lúa chín rộ cũng là mùa châu chấu, muồm muỗm béo ngậy sinh sôi. Với vợt tự chế, lũ trẻ đi vợt châu chấu và biến chúng thành món "tôm bay" hấp dẫn trong ngày hè.
http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/nhung-tro-choi-mua-ha-goi-ky-uc-tuoi-tho-3000889.html